Chủ Nhật, 28/4/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 22/12/2017 15:52'(GMT+7)

Kinh nghiệm bước đầu trong biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương

Quang cảnh Hội nghị thẩm định Lịch sử Đảng bộ xã Liên Am

Quang cảnh Hội nghị thẩm định Lịch sử Đảng bộ xã Liên Am

Những năm qua, nhận thức sâu sắc lịch sử Đảng bộ địa phương là một bộ phận rất phong phú, sinh động trong “kho lịch sử bằng vàng”của toàn Đảng, Huyện ủy Vĩnh Bảo đã thường xuyên quan tâm đến lĩnh vực này; đặc biệt là từ khi có Chỉ thị 15-CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của các địa phương, ngành, đơn vị được đẩy mạnh và triển khai đồng bộ. 

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Ban Tuyên giáo Thành ủy, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương của huyện đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay 29 xã đã phát hành lịch sử địa phương; Đảng bộ huyện và 4 ngành, đơn vị của huyện (quân sự, phụ nữ, công an, Mặt trận Tổ quốc, bưu điện) đã xuất bản lịch sử truyền thống của ngành, đơn vị. Do Thị trấn Vĩnh Bảo mới thành lập vào năm 1986 nên chưa biên soạn lịch sử Đảng bộ, nhưng đã và đang tích cực tổng hợp tư liệu tiến tới biên soạn, xuất bản cuốn lịch sử Đảng bộ theo sự chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy. 

Năm 2017-2018 có 29 Đảng bộ xã kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên, trong đó Huyện ủy cho phép 15 địa phương tiến hành chỉnh lý, bổ sung và tái bản lịch sử Đảng bộ xã. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập chi bộ bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện (08/8/1938-08/8/2018) và 180 năm thành lập huyện, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã quyết định tổ chức chỉnh lý, tái bản bổ sung cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện. Đây là những tài liệu quý giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu về lịch sử địa phương mình, tự hào về truyền thống của quê hương, cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát huy truyền thống cách mạng, lịch sử - văn hóa của địa phương góp phần xây dựng quê phát triển, thực hiện sự nghiệp đổi mới, xây dựng nông thôn mới. 

Thông qua các ấn phẩm lịch sử, nhiều địa phương đơn vị đã đề nghị Nhà nước vinh danh những thành tích và đóng góp của tập thể, cá nhân đối với sự nghiệp giải phóng của dân tộc, đóng góp đó đã khẳng định tính xác thực của mỗi công trình lịch sử.

Từ thực tiễn công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương trong huyện, có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu đó là:

Một là, cần phải nghiêm túc quán triệt, triển khai sâu rộng nội dung tinh thần Chỉ thị 15 của Ban Bí thư và Chỉ thị 10 của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác lịch sử Đảng tới các cấp ủy, các ngành, địa phương cơ quan đơn vị và tổ chức thực hiện nghiêm túc. 

Hai là, quan tâm xây dựng bộ máy đội ngũ cán bộ lịch sử Đảng ổn định, có phẩm chất chính trị và năng lực, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nghiên cứu biên soạn, tổng kết lịch sử Đảng. Đội ngũ cán bộ, chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy – cơ quan chuyên trách trực tiếp tham mưu cho Huyện ủy về công tác nghiên cứu biên soạn Lịch sử Đảng bộ địa phương đã được tào tạo cơ bản về nghiệp vụ và kiến thức lịch sử. Đội ngũ làm công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống ở cơ sở đều là những người có tuy chưa được đào tạo bài bản về khoa học lịch sử nhưng đều là những người có tâm huyết, am hiểu về lịch sử địa phương. Thông qua các hội nghị báo cáo viên cơ sở, tập huấn công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đều tập trung bồi dưỡng kiến thức lịch sử, kỹ năng tuyên truyền.

Ba là, làm tốt các bước chuẩn bị tư liệu và công tác hội thảo: tư liệu hay nguồn sử liệu nói chung rất quan trong đối với người nghiên cứu lịch sử, để làm tốt khâu tư liệu trong những giai đoạn mà nguồn tư liệu thành văn, tư liệu lưu trữ không có, chủ yếu là nguồn tư liệu của những người “sống cùng lịch sử” nhớ lại vì vậy chúng ta phải làm tốt công tác hội thảo, trong hội thảo phải có phương pháp và thái độ khoa học khi đánh giá, nhận định về những vấn đề, sự kiện và các nhân chứng lịch sử mới có thể đảm bảo tính Đảng, tính khoa học trong nghiên cứu lịch sử Đảng.

Bốn là, luôn coi trọng công tác truyền bá tri thức lịch sử Đảng, giáo dục lịch sử Đảng cho tương xứng, xác định đó là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của cấp uỷ. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương trong các nhà trường trên địa bàn huyện, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú sinh động, rộng khắp và phù hợp với từng đối tượng, trên báo chí, phát thanh truyền hình, bằng nói chuyện tọa đàm giữa các nhân chứng lịch sử với thế hệ trẻ./.

Dương Thị Bích 
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Bảo, Hải Phòng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất