Thứ Sáu, 17/5/2024
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam
Thứ Tư, 22/12/2021 16:32'(GMT+7)

Những kết quả tích cực của Chương trình Thương hiệu quốc gia

Trong thời gian qua, Chương trình THQG Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận được thể hiện thông qua những nội dung chính như sau:

Các doanh nghiệp THQG đã khẳng định vị thế hàng đầu vững chắc trong lĩnh vực hoạt động của mình, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu dù gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh dịch Covid 19 diễn biến khó lường trên toàn thế giới.

Theo số liệu báo cáo của 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG kỳ này, tổng doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp này đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137 nghìn tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước trên 200 nghìn tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 471 nghìn lao động. Các hoạt động xã hội của các doanh nghiệp này đạt giá trị trên 9,5 nghìn tỷ đồng và nộp bảo hiểm xã hội trên 20 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid 19 bùng phát ở nước ta, đa số các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia đều triển khai các hoạt động chung tay cùng cộng đồng với số tiền và hiện vật quyên góp lên tới trên 80 tỷ đồng. Chương trình rất tự hào đã truyền cho các doanh nghiệp động lực phát triển tích cực và mục tiêu phấn đấu chân chính vì niềm tự hào đại diện cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Các hoạt động hỗ trợ và tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình THQG và các sản phẩm đạt THQG được triển khai có hiệu quả góp phần tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.

Với mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tập trung vào các nội dung chính sau:

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu;

Hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp về công tác xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó giúp cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Thực hiện các hoạt động tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực nghiên cứu thị trường; thiết kế bao bì, sản phẩm và hệ thống nhận diện thương hiệu; xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bộ Công Thương đang và sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các chương trình tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình THQG và các doanh nghiệp, sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia gắn liền với các hoạt động ngoại giao, văn hóa và du lịch, đặc biệt tập trung tại các địa bàn xuất khẩu chủ lực, nhằm nâng cao vị thế và giá trị của Thương hiệu quốc gia cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận với khách hàng/ người tiêu dùng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Hoạt động xét chọn THQG năm 2020 được tổ chức triển khai khoa học, khách quan, nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ theo quy trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kỳ xét chọn THQG lần thứ 7 năm 2020 được triển khai với nhiều điểm mới trong chính sách cũng như quy trình xét chọn. Năm nay cũng là năm đầu tiên, Bộ Công Thương triển khai Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Thông tư số 33/2019/TT-BCT ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Bộ Công Thương quy định Hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Theo đó, việc xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 7 được thực hiện thông qua quy trình của thủ tục hành chính, theo phương thức chấm điểm, đảm bảo tính khách quan, khoa học và minh bạch.

Các hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn được rà soát kỹ lưỡng theo các tiêu chí được quy định tại Thông tư số 33/2019/TT-BCT. Các hồ sơ đủ điều kiện được chuyển tới các thành viên của Ban Chuyên gia – là các chuyên gia hàng đầu của các lĩnh vực có liên quan để tiến hành thẩm định. Để đảm bảo tính chặt chẽ và hệ thống của quy trình xét chọn, sau quá trình thẩm định hồ sơ, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các Bộ ngành liên quan, cụ thể: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam kiểm tra tình hình bảo hộ sở hữu trí tuệ và chấp hành về mặt pháp luật cũng như việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp khi đăng ký xét chọn.

Danh sách sản phẩm dự kiến công nhận đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 cũng đã được gửi xin ý kiến các ủy viên Hội đồng THQG – bao gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, các cơ quan Trung ương.

Trải qua 9 tháng triển khai, trên cơ sở ý kiến thống nhất của các thành viên Hội đồng THQG Việt Nam, 124 doanh nghiệp được lựa chọn, thẩm định kỹ lưỡng từ hơn 1.000 doanh nghiệp quan tâm tham gia, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí, là những đại diện tiêu biểu cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất