(TG) - Người Ca Dong trên huyện vùng cao Bắc Trà My bao đời nay giữ gìn phong tục làm bánh bênh chai bằng lá dong vào dịp làng ăn Tết mùa, lễ hội cúng máng nước, ăn mừng lúa mới đến đón mừng năm mới.
Trong những lần lên huyện vùng cao Bắc Trà My (Quảng Nam) công tác, chúng tôi may mắn được thưởng thức hương vị thơm thảo của bánh bênh chai và càng thêm thấu hiểu tình yêu của đồng bào nơi đây với ẩm thực truyền thống lâu đời.
Bánh bánh bênh chai đã đi vào tiềm thức những người con Ca Dong trên huyện vùng cao Bắc Trà My bình dị và dân dã. Bà Lê Thị Xô (73 tuổi), dân tộc Ca Dong ở tại thôn 1, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) kể: Từ xưa đến nay, phần đông nhiều gia đình người Ca Dong vẫn giữ được loại bánh bằng lá dong (lar dur) từ loại nếp của người Ca Dong có tên là pén hăn. Đây là loại bánh nếp quý nhất ở vùng người Ca Dong sinh sống bởi luôn có mặt trong các lễ hội quan trọng, đám cưới, dịp ăn Tết mùa, lễ hội cúng máng nước, ăn mừng lúa mới, đến đón mừng năm mới.
Để có được những đòn bánh bênh chai ngon, dẻo, thơm như đúng vị bánh từ truyền thống lâu nay của người Ca Dong, đồng bào thường chọn gieo trồng nếp trên đất rẫy giống đặc sản hạt tròn, mẩy mới tạo nên hương vị độc đáo không đâu có được của núi rừng vùng cao Trà My. Tới mùa thu hoạch, khi đã chọn nếp pén hăn, tất cả cho vào cối và cố gắng giã thật đều và nhẹ tay để hạt nếp pén hăn không bị vỡ vụn, sau đó dùng sàng sảy tỉ mỉ để chọn lại những hạt nếp pén hăn còn nguyên.
Bà Xô chia sẻ, một trong những yếu tố quan trọng nhất để làm bánh bênh chai, chính là khâu ngâm nếp pén hăn. Nước dùng ngâm nếp pén hăn, thì phải lấy trên đầu nguồn vào buổi sáng sớm tinh mơ bởi khi đó nước mới trong sạch. Nếp pén hăn phải được vo thật sạch, ngâm trong nước khoảng từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ cho mềm, vớt ra để ráo. Cùng lúc, đàn ông, thanh niên Ca Dong cầm rựa lên rừng cắt những lá dong tươi và ống nứa non về làm lạt buộc. Lá dong phải đạt tiêu chuẩn ở độ “bánh tẻ”, không được già, vì lá quá già thì dễ rách mà lá non quá thì không tạo khuôn được.
Lá dong đem về được trải đều trên những mỏn đá để phơi nắng cho héo. Nếu gặp phải trời mưa, thì phải trải trên giàn bếp hong. Khi gói bánh bênh chai, người Ca Dong thường dùng khuôn. Khuôn là một ống tre tròn, có đường kính dài khoảng ngón tay trỏ người lớn (7cm) và dài khoảng 2 gang tay (80cm). Khi gói, lá dong được rửa sạch quấn tròn lại theo ống tre. Khi quấn lá dong từ điểm đầu đến điểm cuối, thì lần lượt cho nếp pén hăn đã ngâm ráo nước trước đó vào, rồi dùng chiếc đũa ăn cơm dầm đều khi nào đầy dừng lại. Rồi tiếp tục dùng một lá dong quấn bịt đầu và dùng sợi dây lạt quấn chặt lại là hoàn thành một bánh bênh chai. Chiếc bánh bênh chai có hình thon dài. Thoạt nhìn, bánh bênh chai của người Ca Dong tựa giống như bánh tét của người Kinh. Nhưng bánh bênh chai của người Ca Dong thì không có nhân.
Sau đó, đồng bào Ca Dong bắc một nồi đồng to lên bếp, cho tất cả bánh bênh chai đã gói xong xếp đều vào và đổ nước ngập bánh. Nước sạch đầu nguồn sẽ quyện với màu lá dong khiến cho bánh có màu sắc bắt mắt và chín đều. Họ nấu bánh bênh chai bằng những thanh củi to bằng bắp chân cháy đượm trong 6 tiếng đồng hồ. Cứ mỗi mỗi 2 tiếng, thì thêm nước vào cho bánh đến khi toả mùi thơm thì xem như bánh đã nhuyễn.
Bánh bênh chai vì không có nhân, nên có thể để được rất lâu mà vẫn giữ nguyên màu xanh của lá dong và giữ được vị thơm của nếp pén hăn. Khi bóc lớp lá dong ra sẽ thấy bánh có màu xanh đẹp mắt, hương vị thơm ngon đậm đà càng rõ nét khi ăn cùng với muối tiêu rừng. Dù chỉ có mỗi nguyên liệu là nếp pén hăn nhưng hoà với đất, trời, nước đã tạo thành đặc sản mang đậm hương vị vùng cao khiến thực khách có cảm giác như bị mê hoặc.
Bà Lê Thị Xô cho biết thêm, ở vùng người Ca Dong, không phải ai cũng gói được bánh bênh chai bằng lá dong. Mỗi Nóc (bao gồm nhiều thế hệ với khoảng từ 13 đến 15 gia đình quần cư và từ 15 đến 20 Nóc tạo thành một thôn/làng) chỉ có vài ba phụ nữ gói bánh bênh chai đẹp. Bánh bênh chai cũng là thước đo cho sự cần cù chịu khó và khéo léo của người phụ nữ. Vì vậy, người Ca Dong gọi bánh bênh chai là nếp nhà. Con gái Ca Dong trước khi lấy chồng luôn được những phụ nữ lớn tuổi, bà, mẹ bày gói bánh bênh chai.
Trên mâm cúng ông bà tổ tiên trong Tết mùa, lễ hội cúng máng nước, ăn mừng lúa mới bên cạnh những vật phẩm từ núi rừng, thì không thể thiếu những chiếc bánh bênh chai bằng lá dong. Vào dịp gia đình tổ chức nghi lễ cưới xin, những chiếc bánh bênh chai đẹp mắt, thơm ngon được gia đình đem ra chiêu đãi khách.
Mỗi dịp tết đến xuân về, người Ca Dong khi tới thăm con gái mình đã đi lấy chồng xa ở làng khác, cha mẹ có con gái cũng không quên đem cho những chiếc bánh bênh chai này làm quà cho gia đình để kết nối tình sui gia thêm bền chặt.
Ngày nay ở Bắc Trà My, nơi người Ca Dong sinh sống, bánh bênh chai đã trở thành một sản phẩm ẩm thực độc đáo không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Nó là món ăn mang nhiều nét biểu trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Ca Dong. Bất cứ ai khi đến thôn làng của người Ca Dong trên huyện vùng cao này đều được người Ca Dong mến khách tặng bánh bênh chai cho khách làm quà khi ra về. Bánh bênh chai nức tiếng không chỉ mang hương vị núi rừng mà còn như gói ghém cả tấm lòng thơm thảo của đồng bào Ca Dong nơi vùng cao dành cho du khách./.
TG