Thứ Bảy, 18/5/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 14/6/2017 18:21'(GMT+7)

Xứ Quảng đi theo “Đường Kách mệnh”

Tác phẩm có vai trò như kim chỉ nam cho đường lối của cách mạng Việt Nam. Tác phẩm “Đường Kách mệnh” đã nhanh chóng được được nhiều thanh niên, học sinh yêu nước Xứ Quảng đón đọc, coi đây là một nguồn sức mạnh mới và nhanh chóng đi theo để đứng lên xóa bỏ xiềng xích, giải phóng quê hương.

Vào những năm 1917 - 1918, số học sinh Quảng Nam - Đà Nẵng ra Huế học đã thành lập Nhà hội Quảng Nam, qua đó tiếp xúc với nhiều sách báo tiến bộ, được gặp và nghe cụ Phan Bội Châu nói chuyện, được con rể cụ là Vương Thúc Oánh, phái viên của Tổng bộ HVNCMTN tuyên truyền, giác ngộ cách mạng. Tháng 4-1926, ở Huế nổ ra cuộc bãi khóa lớn, Nhà hội Quảng Nam trở thành trung tâm lãnh đạo. Cuộc đấu tranh bị địch đàn áp, trường bị đóng cửa. Đúng lúc đó, đồng chí Đỗ Quang, phái viên của HVNCMTN kịp thời gặp gỡ số học sinh bãi khóa, vận động thành lập Ban vận động HVNCMTN Quảng Nam.

Tháng 6-1927, Ban Vận động chuyển về hoạt động tại Đà Nẵng, lấy trường Cự Tùng làm nơi dạy học, sinh sống và làm cơ quan liên lạc cách mạng. Ban vận động ra đời đúng lúc tuổi trẻ đất Quảng đang khao khát tìm hiểu cách mạng để chọn hướng đi. Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Ban vận động đã in tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc làm tài liệu tuyên truyền. “Đường Kách mệnh” là tập hợp những bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh), đã giảng tại lớp Huấn luyện chính trị trong những năm 1925 - 1927 tại Quảng Châu, Trung Quốc. “Đường Kách mệnh” ra đời ra đời có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động của cách mạng Việt Nam, đã vạch rõ cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc, công nông là gốc của cách mạng. Muốn làm cách mạng phải biết đoàn kết quốc tế, đồng thời chỉ rõ tầm quan trọng của phương pháp cách mạng, trước hết phải có Đảng cách mạng vững vàng tay lái mới thành công. Đảng cách mạng muốn vững phải lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm cốt, lấy tư cách người cách mạng làm trọng.

Nguồn sức mạnh mới

Để in tập sách “Đường Kách mệnh”, Ban Vận động hội đã giao đồng chí Đỗ Quỳ và đồng chí Lê Quang Sung tìm địa điểm phù hợp lập cơ sở để in. 

Trong hồi ký của mình, đồng chí Đỗ Quỳ ghi: “Một buổi tối, anh Đỗ Quang bàn với chúng tôi. Anh nói nhỏ vừa đủ nghe, khiến chúng tôi hồi hộp: Anh em bàn xem, ta có thể tìm chỗ nào để lập cơ sở in ấn cho Kỳ bộ Hội thanh niên cách mạng đồng chí được không? Vì đã hoạt động ở Đà Nẵng một năm, tôi biết rõ tình hình chung quanh, nhất là những nơi mật thám Pháp chưa để ý, nên nhất trí thuê căn nhà gần Giếng Bộng, gọi là đường Giếng Bộng (nay là đường Trưng Nữ Vương). Nhà này khá kín. 

Anh Sung cũng đồng tình: Được quá! Có tài liệu gì hay không? Anh Quang cười: Tài liệu này là thức ăn của bọn mình đây! Tôi chồm tới: Loại chi đó anh?Anh Quang rút từ trong túi ra tập giấy mỏng rồi nói nhỏ: Đường Kách mệnh của đồng chí Nguyễn Ái Quốc! Cả tôi và anh Sung đều xúc động. Chúng tôi đã từng đọc nhiều thứ chủ nghĩa của nước ngoài, nhưng chưa hề nghĩ rằng người Việt Nam lại có thể viết một cuốn sách lý luận về con đường Cách mạng riêng của dân tộc mình. Đêm đó chúng tôi chong đèn đọc. 

Thì ra những lời nói của anh Quang lúc kết nạp chúng tôi chính là nội dung quyển sách này đây. Bác viết vừa giản dị vừa dễ hiểu và thấy có thể thực hiện được. Ngày nay nội dung đó đã được giới thiệu công khai trên báo chí. Anh Quang còn giao cho chúng tôi in cả tài liệu Điều lệ Hội Thanh niên cách mạng đồng chí (nay gọi là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên). Anh nhận hết các loại được in ra và chuyển đi. Giấy in bấy giờ là loại giấy bổi của Tây, chúng tôi rọc đôi ra in rất gọn và cuộn lại chuyển đi cũng dễ. Máy móc không có, chúng tôi in bằng đông sương vừa rẻ tiền vừa nhanh chóng phi tang khi mật thám ập đến”.

Về ý nghĩa việc “Đường kách mệnh” được truyền bá vào Quảng Nam - Đà Nẵng, cuốn Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng 1930 – 1975, trang 68 đã ghi: “Tuổi trẻ Quảng Nam - Đà Nẵng đã tiếp thu được cách mạng qua “Đường Kách mệnh”, tìm thấy được nguồn sức mạnh mới, vì vậy việc phát triển hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên khá nhanh”. Vì vậy, đến tháng 9-1927, Chi bộ HVNCMTN  niên ở Đà Nẵng được thành lập do Đỗ Quang làm Bí thư, có Đỗ Quỳ, Lê Quang Sung, Lê Văn Hiến, Thái Thị Bôi, Phan Long. Cũng trong thời gian này, ở Đà Nẵng còn có một tổ HVNCMTN do Nguyễn Tường phát triển trong số cốt cán của Hội Ái hữu lái xe miền Trung, gồm có Phan Văn Định, Nguyễn Văn Giao. Ở Hội An, một Chi bộ HVNCMTN được thành lập vào tháng 10-1927 tại nhà Đức An (nay là số nhà 129, đường Trần Phú, Hội An) do Phan Thêm (Cao Hồng Lãnh) làm Bí thư.

Ươm mầm từ “giống đỏ”


Từ 3 tổ chức trên, đến đầu năm 1928, một hội nghị ở Giếng Bộng đã chính thức bầu ra Ban Chấp hành Tỉnh bộ HVNCMTN Quảng Nam gồm có Đỗ Quang, Phan Thêm, Nguyễn Tường, Nguyễn Thái, Phan Long, Thái Thị Bôi, Lê Văn Hiến do Đỗ Quang làm Bí thư. Thực hiện chỉ thị “vô sản hóa” của Tổng bộ, Tỉnh bộ cho một số hội viên hăng hái đi vào nhà máy đồn điền để cùng lao động, ăn ở, đấu tranh với công nhân rèn luyện bản thân, đồng thời truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin trong giai cấp công nhân...

Trước vai trò lịch sử của HVNCMTN đã hoàn thành, tình hình cần có Đảng Cộng sản ra đời. Ngày 03-02-1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản họp ở Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) đã quyết định thành lập một đảng thống nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cơ sở đó, ngày 28-3-1930, tại bãi cát Trường Lệ, Hội An, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được thành lập.

Như vậy, bằng tình yêu nước, thấu hiểu được nỗi tủi nhục của thân phận nô lệ, được tiếp thu khá sớm tinh thần cách mạng vô sản qua tác phẩm “Đường Kách mệnh”, một thế hệ thanh niên, sinh viên, học sinh Quảng Nam - Đà Nẵng như Đỗ Quang, Đỗ Quỳ, Lê Quang Sung, Phan Long, Thái Thị Bôi… đã nhanh chóng đi theo con đường cách mạng. Các đồng chí là những người đã gieo những “hạt giống đỏ” cách mạng đầu tiên trên mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng./.

Lê Năng Đông
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam


(Theo: Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng (1930 - 1975) Nxb CTQG, H.2006 và tập hồi ký: Đi theo Đường Kách mệnh, Nxb ĐN 2014)

 

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất